Hình minh họa
Trong vụ việc xảy ra tuần trước, hàng dài người xếp hàng ở khu làm thủ tục xuất nhập cảnh của sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở Jakarta, sau khi hệ thống bị đánh sập trong cuộc tấn công bằng phần mềm được cho là do nhóm LockBit phát triển.
Ngày 24/6, ông Semuel Abrijani Pangerapan, một quan chức cấp cao Indonesia, nói với báo chí rằng, vụ tấn công ảnh hưởng đến 210 tổ chức ở cấp quốc gia và địa phương, và một hacker web đen đòi khoản tiền chuộc 8 triệu USD (hơn 200 tỷ đồng).
Ông cho biết dịch vụ xuất nhập cảnh đã được khôi phục từ ngày 24/6 và công việc đang được thực hiện để khôi phục các dịch vụ khác.
Cơ quan chức năng đang điều tra phần mềm ransomware Brain Cipher khiến dữ liệu của chính phủ không thể truy cập được do bị mã hóa. LockBit và các nhóm liên quan bị cáo buộc đã tấn công các chính phủ, công ty lớn, trường học và bệnh viện, gây thiệt hại hàng tỷ đô la và đòi hàng chục triệu đô la tiền chuộc để cung cấp chìa khóa giải mã.
Tháng trước, Mỹ, Anh và Úc công bố các biện pháp trừng phạt người đứng đầu LockBit với cáo buộc tống tiền hàng tỷ đô la từ hàng ngàn nạn nhân.
Chính phủ Anh cáo buộc nhóm này gây ra 1/4 tổng số vụ tấn công ransomware trên toàn thế giới trong năm 2023 và đã tống tiền hơn 1 tỷ USD từ hàng nghìn nạn nhân trên toàn cầu.
Theo Europol, cơ quan thực thi pháp luật của Liên minh châu Âu, năm quốc gia bị LockBit tấn công nhiều nhất là Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Trung Quốc.
Indonesia bị đánh giá là có hệ thống an ninh mạng yếu, thường xuyên bị rò rỉ thông tin.
Năm 2021, trong đại dịch COVID-19, hãng cung cấp mã hóa vpnMentor tiết lộ dữ liệu của 1,3 triệu người dùng ứng dụng xét nghiệm và truy vết của Chính phủ Indonesia bị xâm nhập. Vài tháng trước đó, dữ liệu của hơn 200 triệu người trong hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe quốc gia bị tin tặc đánh cắp.
Tú Linh
Theo CNA